Hướng dẫn cách mặc bỉm quần cho bé nhanh chóng, đúng cách và không bị hăm

Video cách mặc bỉm yubest mặt trước

Tã cho bé, đặc biệt là tã quần, là đồ dùng cần thiết để giữ vệ sinh tốt cho trẻ và được nhiều mẹ bỉm tin dùng. Tuy nhiên, cách mặc tã quần như thế nào để đúng chuẩn thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết sau, AVAKids sẽ hướng dẫn bạn cách mặc bỉm quần cho bé sao cho nhanh và đúng để tránh tình trạng bé bị hăm tã nhé!

1Nguyên tắc mặc bỉm quần đúng cách

1.1 Thao tác “nhanh – gọn – chuẩn”

Đối với các bé có tính cách hiếu động, tinh nghịch thì mẹ cần khéo léo mặc tã quần chuẩn, nhanh, gọn và thoải mái cho bé. Mẹ có thể linh động mặc bỉm khi bé đang nằm hoặc đứng đều được. Trước khi thực hiện, mẹ cũng nên xác định đâu là mặt trước của tã để thao tác được nhanh hơn.

Mặc dù cần phải mặc nhanh nhưng mẹ nên kiểm tra kết cấu của tã kỹ trước khi thay để chắc chắn tã ôm sát phần eo, dán đúng vị trí và không bị xô lệch. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý đảm bảo phần nếp thun ở đai lưng và phần viền xung quanh phần chân được điều chỉnh ngay ngắn, không bị gập vào trong.

Mẹ cần thành thạo trong tháo tác mặc bỉm quần cho bé

1.2 Chọn đúng bỉm theo độ tuổi và cân nặng của bé

Ở mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có các loại size tã dành riêng theo từng độ tuổi và cân nặng. Nếu tã quá chật thì sẽ gây khó chịu cho bé, không thoải mái vận động. Ngược lại, tã quá rộng sẽ khiến bé khó khăn khi di chuyển, dễ bị xê dịch dẫn đến lượng chất thải bị tràn ra ngoài, điều này sẽ gây rắc rối cho cả mẹ và bé.

Bên cạnh đó, khi bé bước vào giai đoạn hoạt động chân tay nhiều hơn, bắt đầu biết trườn, bò, đứng, tập đi,… nên sử dụng tã quần để đảm bảo cho bé thoải mái vận động. Với thiết kế ôm sát cơ thể, tã quần cũng thấm hút nhanh và giữ vệ sinh tốt hơn.

Các size tã quần theo từng độ tuổi và cân nặng:

  • Size M: Tùy theo từng hãng sẽ có size bỉm khác nhau, nhưng thường thì size M sẽ phù hợp cho trẻ từ 6 – 11 kg, thích hợp cho bé đã biết lật và ngồi.
  • Size L: Dành cho bé có cân nặng từ 9 – 14 kg, được thiết kế co giãn giúp bé thoải mái tập những bước đi đầu đời.
  • Size XL: Phù hợp cho bé lớn hơn từ 12 – 17 kg, đảm bảo sự thoải mái, tiện lợi cho bé hoạt động liên tục.

Tã quần Bobby size M 60 miếng (6 – 11 kg)

1.3 Chọn bỉm quần riêng biệt cho bé trai và bé gái

Đối với bé trai và bé gái, đặc điểm giới tính khác nhau nên vị trí tã bị ướt khi bé đi vệ sinh cũng không giống nhau. Các bé trai thường bị ướt nhiều ở phía trước, ngược lại thì bé gái sẽ bị ướt ở phía sau nhiều hơn. Vì vậy, mẹ nên lựa chọn loại tã phù hợp với giới tính của trẻ để đảm bảo vệ sinh.

Nhiều loại tã quần hiện nay được sản xuất có kết cấu phù hợp với giới tính của mỗi bé. Những loại bỉm dành cho bé trai thường được thiết kế có thêm lớp lót ở phía trước. Còn tã cho bé gái sẽ có phần đằng sau và giữa dày hơn phía trước để chống tràn. Điều này còn giúp mẹ định hình và giáo dục giới tính cho bé từ nhỏ.

Tã quần Moony man bé gái size L 44 miếng (9 – 14 kg)

1.4 Đảm bảo bé luôn cảm thấy thoải mái khi mặc bỉm

Do bé thường xuyên phải mặc tã trong suốt thời gian vận động hoặc ngay cả khi đi ngủ, nên mẹ cần phải chọn loại phù hợp và đóng bỉm đúng cách để bé luôn thoải mái. Điều này sẽ giúp bé có thể tự do vui chơi, ngủ ngon giấc hơn mà mẹ không cần lo lắng bé bị ẩm ướt, cảm thấy khó chịu khi mặc bỉm.

Ngoài ra, mẹ nên chọn bỉm có chất liệu an toàn, khả năng chống tràn thông minh, đồng thời co giãn tốt để bé có thể dễ dàng cử động mà không bị hằn đỏ trên làn da non. Các loại bỉm chuyên dụng có tác dụng thấm hút nhanh, giúp bề mặt luôn được khô thoáng và thoải mái khi sử dụng.

Chọn loại bỉm quần thích hợp để bé luôn cảm thấy thoải mái khi hoạt động

1.5 Không cho bé mặc bỉm quần cả ngày lẫn đêm

Mẹ không nên lạm dụng bỉm quần và cho bé mặc cả ngày lẫn đêm. Điều này khiến trẻ bị bí bách, dễ bị hăm, không đảm bảo vệ sinh dẫn đến vi khuẩn có hại phát triển. Do đó, mẹ chỉ nên đóng bỉm cho bé vào ban đêm để bé có giấc ngủ ngon hơn.

Nếu bé chỉ ở trong nhà vui chơi, không cần ra ngoài, đi du lịch hoặc ở những nơi khó đi vệ sinh thì mẹ không cần cho bé mặc tã quần vào ban ngày. Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà mẹ nên tập dần thói quen cho bé đi vệ sinh đúng giờ, giúp bé có phản xạ tốt và giảm thời gian sử dụng tã.

Mẹ nên đóng bỉm vào ban đêm cho bé ngủ ngon tròn giấc

1.6 Bao lâu nên thay bỉm quần một lần?

Việc thường xuyên thay tã đúng giờ sẽ giúp bé luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng và tránh hiện tượng hăm tã. Trung bình khoảng 3 – 4 giờ, mẹ nên thay bỉm cho bé một lần.

Trong trường hợp bé đi nặng thì mẹ cần thay bỉm ngay lập tức. Nếu như bé đi tè lắt nhắt nhưng nhiều lần thì mẹ nên thay bỉm cho bé sớm hơn bình thường, trong khoảng 1 – 2 giờ. Mẹ không cần băn khoăn khi nào lỡ giờ thay tã vì một số loại tã có vạch chỉ thị ướt để nhận biết thời điểm nên thay tã một cách thuận tiện hơn.

Mẹ nên thay bỉm quần thường xuyên cho trẻ

2Cách mặc bỉm quần cho bé đúng chuẩn

Bước 1: Chuẩn bị bỉm quần mới

Khi chuẩn bị bỉm mới thì mẹ nên xác định xem đâu là mặt trước, đâu là mặt sau. Thông thường mặt trước của bỉm sẽ có in dòng chữ thương hiệu của bỉm và mặt sau sẽ có dải băng dán màu xanh. Sau khi sử dụng xong, mẹ có thể tháo tã quần ra và gói lại bằng dải băng dính trước khi bỏ vào thùng rác.

Tã quần Merries size XXL 26 miếng (15 – 28 kg)

Bước 2: Kéo bỉm cũ xuống hoặc xé hai bên để tháo bỉm cũ ra

Nhẹ nhàng nâng mông hoặc nhấc cổ chân bé để kéo bỉm cũ ra ngoài. Ngoài ra, mẹ có thể tháo tã bằng cách xé hai bên bỉm dễ dàng.

Xé hai bên để tháo bỉm cũ ra

Bước 3: Làm sạch mông cho bé đúng cách

  • Trường hợp phân dính trên da của bé: Trước tiên mẹ cần dùng khăn ướt hoặc khăn giấy để lau qua trước. Sau đó, cẩn thận dùng nước ấm hoặc nước muối ấm rửa sạch hết những gì còn sót lại trên mông, vùng kín và giữa các nếp gấp của bé.
  • Mông bé dính nước tiểu hoặc bị nổi đỏ: Mẹ cần ngâm miếng bông, khăn ướt hoặc vải vào nước ấm có nhiệt độ phù hợp với làn da non của bé, cụ thể là 38 độ C. Sau đó dùng khăn để lau nhẹ nhàng chỗ bị dính nước tiểu hay bị nổi đỏ và cuối cùng lau khô bằng khăn tắm.
  • Trường hợp phân bị lan rộng: Cần phải làm sạch qua những phần bị phân lan rộng ra. Mẹ hãy chuẩn bị một bình xịt với 150 ml nước ấm khoảng 38 – 40 độ C dùng để xịt, rửa những chỗ bị phân dính vào trước khi vệ sinh kỹ hơn bằng khăn lau.
  • Mông bé bị nổi đỏ hoặc phân lan rộng ra sau: Trong trường hợp này thì mẹ nên rửa mông cho bé bằng cách giữ bé chắc chắn bằng một tay, đồng thời rửa mông cho bé bằng nước ấm khoảng 38 – 40 độ C. Sau đó, mẹ lau khô mông bé bằng khăn tắm sạch sẽ.

Vệ sinh mông cho bé trước khi thay bỉm mới

Bước 4: Thay bỉm mới cho bé

Thay bỉm khi bé nằm: Khi bé nằm, mẹ có thể cho 2 tay của mình vào dưới tã, sau đó nhẹ nhàng luồn 2 chân bé vào trong 2 ống tã, từ từ kéo bỉm lên đến phần rốn của bé. Mẹ nên kiểm tra bỉm có bị lệch hay không, chỉnh lại lưng thun để đảm bảo chất thải không bị tràn ra ngoài.

Thay bỉm khi bé đứng: Khi bé đứng, mẹ có thể là điểm tựa, để bé đứng đối diện hoặc cho bé bám vào đồ vật an toàn như giường hay bàn. Sau đó luồn từng chân của bé vào trong ống bỉm và kéo lên như mặc quần bình thường.

Thay bỉm quần khi bé đứng

Bước 5: Kiểm tra sau khi mặc bỉm

Sau khi mặc xong bỉm mới, mẹ nên kiểm tra để chắc chắn bỉm ôm sát cơ thể, hạn chế bỉm bị xô lệch và chất thải có nguy cơ tràn ra ngoài. Có thể dùng tay để kiểm tra xem phần chun bỉm có siết quá chặt vào đùi bé không và sau đó điều chỉnh lại cho phù hợp.

Đặc biệt với các bé trai thì cần kiểm tra xem phần hạ bộ của bé đã nằm dưới đáy tã chưa. Nếu như phần hạ bộ hướng lên trên thì có thể xảy ra trường hợp tràn bỉm. Do đó, mẹ phải đảm bảo phần hạ bộ của bé trai được đặt giữa các vách chống tràn và hướng xuống dưới.

Mẹ điều chỉnh và kiểm tra bỉm đã vừa vặn chưa

Bước 6: Xử lý bỉm bẩn

Khi thay bỉm bẩn ra, mẹ cần bỏ hết chất bẩn vào bồn cầu. Cuộn tròn tã lại và dùng miếng băng dán màu xanh ở phần sau của tã để dán cố định lại. Sau đó, cho tã vào túi rác nhỏ để loại bỏ mùi và bỏ vào thùng rác bình thường.

Cuộn tròn và dán cố định tã bẩn trước khi bỏ vào thùng rác

3Một số vấn đề thường gặp khi mặc bỉm cho bé

3.1 Vùng lưng và mông của bé bị tràn bỉm

Nguyên nhân chủ yếu gây ra việc đóng bỉm tràn lưng là do mẹ sơ ý để lại một khoảng trống lớn giữa lưng và mông của bé. Việc mẹ lựa chọn sai kích thước tã và kéo bỉm quá nhiều về phía trước cũng khiến gây ra tình trạng tràn bỉm ở lưng, mông bé.

Để khắc phục vấn đề này, mẹ nên đảm bảo nâng bỉm thẳng và cao, ôm sát vào cơ thể bé để tránh việc bị tràn. Lưu ý, phần lưng nên cao hơn phần trước, kéo đủ cao để che rốn của bé, sau đó là dính chặt băng dán theo hướng chéo xuống dưới.

Mẹ nên đóng bỉm đủ cao để che rốn bé

3.2 Tràn bỉm ở quanh đùi và bẹn của bé

Mẹ có thể mắc lỗi đóng bỉm khiến thun chân bị gấp vào trong, tạo ra khoảng trống giữa đùi và bẹn của bé với bỉm. Điều này dẫn đến hiện tượng tràn bỉm khi bé cử động nhiều, gây nhiễm khuẩn và viêm da ở trẻ.

Mẹ cần kéo bỉm quần thẳng và đủ cao, điều chỉnh các rãnh chống tràn xung quanh đùi, thun chân không bị gấp vào trong, đảm bảo bỉm ôm vừa vặn vào cơ thể của bé. Mẹ sẽ không còn phải lo lắng chất thải bị trào ra ngoài nữa.

Chỉnh sửa các nếp gấp xung quanh đùi và bẹn

3.3 Tràn bỉm quanh bụng của bé

Việc tràn bỉm quanh bụng chủ yếu xảy ra khi bé không được mặc size bỉm phù hợp, dẫn đến tã quá rộng so với cơ thể của bé. Ngoài ra, hiện tượng này còn do mẹ để phần hạ bộ của bé trai hướng lên trên, gây ra việc chất thải bị tràn ra.

Do đó khi mua bỉm, mẹ cần lựa chọn đúng size bỉm của bé, có phần chun lưng tã hoặc dán vừa vặn với vòng bụng của bé để tránh bị trào ngược. Đối với các bé trai, mẹ cần đảm bảo phần hạ bộ của bé hướng xuống dưới và nằm giữa vách chống tràn.

Tránh hiện tượng trào ngược bằng cách đảm bảo đóng bỉm vừa vặn với phần eo của bé

4Lưu ý khi mặc bỉm quần cho bé

  • Lựa chọn đúng loại bỉm phù hợp, có size vừa vặn và khả năng thấm hút tốt.
  • Theo dõi, kiểm tra thường xuyên để kịp thời thay bỉm và vệ sinh cho bé khi thấy bị bẩn hoặc ướt.
  • Khi thay tã cho bé đang đứng, mẹ nên chắc chắn rằng bé đã đứng vững vàng để thực hiện thuận tiện và đảm bảo an toàn cho bé hơn.
  • Đảm bảo rằng phần thun ở hai bên đùi và hông không quá chật và siết gây hăm tã, cảm giác khó chịu cho bé.
  • Kiểm tra phần thun của tã để tránh dính vào quần áo.
  • Tên thương hiệu của loại tã phải được đặt ở giữa để chắc chắn mẹ đã mặc đúng cách cho bé.
  • Nếu bé không vận động quá nhiều, mẹ có thể dùng tã dán cho bé để tiết kiệm chi phí. Tã dán cũng có nhiều size khác nhau như bỉm Merries size S, M, L, XL,…

Mẹ nên kiểm tra thường xuyên để kịp thời thay bỉm

Hy vọng với những thông tin đã cung cấp trên, mẹ sẽ biết cách mặc bỉm quần cho bé thuận tiện và dễ dàng hơn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.866.874 (7:30 – 22:00) hoặc truy cập website avakids.com để được hỗ trợ hướng dẫn và tư vấn miễn phí nhé!