Để duy trì hứng thú của con trong các bữa ăn thì việc thường xuyên thay đổi thực đơn ăn dặm, đa dạng các món ăn là điều rất cần thiết với các mẹ. Hiểu được điều này, chị Trần Loan (27 tuổi, hiện đang sống tại Hòa Bình) cũng thường xuyên chế biến các món bún/miến/phở trong bữa chính cho bé Min (nay đã hơn 22 tháng tuổi). Bé Min đặc biệt rất thích các món dễ ăn này, mỗi khi mẹ bày ra bàn sẽ liền háo hức tự xúc ăn và húp tới giọt nước cuối cùng. Đó cũng là động lực khiến chị Loan chăm chỉ hơn trong việc nấu ăn cho con.
Để đảm bảo vệ sinh và an toàn trong món ăn, chị Loan thường tự tay làm bún trắng cho con, trước khi nấu kèm với các thực phẩm khác. Chị chia sẻ công thức làm bún: “Mình làm bún bằng máy hoặc khuôn tay. Công thức làm khá đơn giản từ 200gram bột mỳ, 150gram bột tàn mỳ, 150gram tinh bột khoai tây, 250ml nước nóng già, 2 muỗng dầu ăn rồi cho vào máy để nhào. Nếu không có máy sẽ trộn bằng muỗng, thành một khối dẻo thì cho vào khuôn ép bún cho ra thành từng sợi. Bún làm một lần nếu không dùng hết có thể đem trữ đông để nấu được trong 2 tuần”.
Ngoài bún tự làm, chị Loan cũng thường lựa chọn thêm các món miến, nui, mỳ udon, bánh phở… chủ yếu từ nguồn gốc hữu cơ. Sau khi đã có nguyên liệu bún, miến, nui…, chị Loan sẽ áp dụng nấu một bát hoàn chỉnh cho con theo 3 bước: nấu nước dùng (từ các loại như riêu cua, xương gà, xương lợn… thích hợp với món bún thành phẩm), sau đó cho bún, miến, nui… vào và trình bày các món thịt, cá, rau đã được chế biễn sẵn từ trước (thường là hấp, luộc) lên trên. Những công đoạn này được chị hoàn thành khá nhanh chóng và không mất nhiều thời gian.
Chị Loan chia sẻ, nguyên tắc chuẩn bị các món nước này cho con cũng không phức tạp cầu kỳ, chỉ cần chú ý các loại thực phẩm kỵ nhau. Ngoài ra, chị thường ngẫu hứng “vét tủ lạnh”, sẵn còn món gì sẽ nấu cho con món đó, tùy thuộc vào khoảng thời gian mẹ có trước mỗi bữa ăn của con. Các món chị ưu tiên hơn cả là bún riêu cua, bún gà, bún chả hoặc bún hải sản vốn thuần Việt và chế biến đơn giản hơn. Những món bún, miến, phở sẽ được chị cho con ăn vào bữa trưa hoặc bữa tối nhằm thay đổi để con đỡ chán cơm, cháo.
“Vì Min ăn nhiều cơm cháo cũng chán nên mỗi khi mẹ nấu bún là hào hứng lắm. Con tự ngồi nghiêm chỉnh xúc ăn, chưa thấy chê món mẹ nấu bao giờ. Mẹ sẽ ngồi bên nhìn con ăn, cắt nhỏ bún giúp con. Đến khi con không muốn xúc nữa, mẹ sẽ đút hỗ trợ, tùy vào hoàn cảnh”, chị Loan cho biết thêm.
Chị Loan cũng tin rằng, việc nấu nướng cho con nếu làm bằng niềm vui, sự hứng thú thì các mẹ sẽ hoàn toàn có thể biến tấu các bữa ăn của con thành một tác phẩm nghệ thuật. Khi con ăn, con sẽ cảm nhận được tất cả, trong đó có tình yêu lớn lao mà mẹ dành cho con, đó mới là điều quan trọng nhất trong việc nấu ăn cho con. Mẹ cũng đừng ngại ngần thử nghiệm các món mới, vì biết đâu cả hai mẹ con sẽ đều khám phá ra được những sở thích đặc biệt của bản thân.
Hãy cùng tham khảo thêm thực đơn ăn dặm một số món bún, miến, phở mà chị Loan chuẩn bị cho bé Min: