5 món chè ngon của Nam Bộ dành cho những tâm hồn yêu đồ ngọt

Video Cách nấu các món chè miền nam

Chè thưng

Chè thưng hay còn gọi là chè bà ba – một trong những món chè ngon của Nam Bộ được bán nhiều tại TP.HCM và khắp các tỉnh thành của miền Tây sông nước. Đây vốn là một món ăn bình dị, thân thương, được nấu từ những nguyên liệu dễ tìm trong vườn nhà như chuối, khoai, nước cốt dừa,… tạo nên vị ngon riêng, khó lòng nhầm lẫn với các loại chè khác.

Chè thưng hay còn gọi là chè bà ba.

Những ai lần đầu nghe đến chè thưng hay chè bà ba đều có chung thắc mắc, chẳng hiểu vì sao món chè có tên gọi lạ như vậy? Có người cho rằng, chè bà ba xuất phát từ một phụ nữ tên Ba bán chè ở chợ Bình Tây. Tuy nhiên, người Nam Bộ lý giải rằng, món chè ngon này có tên gọi bà ba là do vị ngon của nó mộc mạc, dân dã như hình ảnh cô gái miền Tây mặc áo bà ba, đội nón lá.

Chè thưng được nấu từ những nguyên liệu gần gũi, dễ tìm.

Tuy có tên gọi bình dân nhưng cách nấu chè thưng cũng rất cầu kỳ, công phu. Đặc biệt nguyên liệu nấu chè phải đầy đủ, tươi ngon và có sự cân bằng, giúp món ăn vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe. Thông thường, món chè ngon của Nam Bộ này được nấu từ nước cốt dừa, hạt sen, đậu xanh, đậu phộng, khoai lang, khoai mì, mộc nhĩ,… Khi ăn, vị béo ngọt của nước cốt dừa hòa quyện vào vị bùi của hạt sen, của khoai, của đậu,… tạo nên vị ngon rất riêng cho chè bà ba.

Chè thưng còn là món ăn rất tốt cho sức khỏe.

Không chỉ là món ăn vặt ngon, chè thưng còn có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể nhờ thành phần đậu xanh. Bên cạnh đó, hạt sen trong chè cũng giúp ngủ ngon, tăng cường sức khỏe. Vì thế, đây là món ăn vặt miền Nam vừa ngon vừa bổ mà nếu có dịp, bạn nên thử một lần để cảm nhận trọn vẹn hơn vị ngon của món chè.

Chè bưởi

Trong số những món tráng miệng nổi tiếng của người miền Nam thì chè bưởi luôn có mặt. Bởi đây là mọt loại chè ngon của Nam Bộ, dễ làm, dễ ăn và thích hợp để nhâm nhi mỗi chiều mát trời hay dùng chiêu đãi trong các bữa tiệc.

Chè bưởi là một món tráng miệng nổi tiếng của người miền Nam.

Chè bưởi nghe qua thì mộc mạc bình dân nhưng cách làm cũng rất công phu, phức tạp. Người nấu chè phải có kinh nghiệm trong việc chọn vỏ bưởi và nắm chắc các bước quan trọng như sơ chế cùi bưởi, ướp đường,… Nguyên liệu chính để làm món chè ngon này có vỏ bưởi tươi, đậu xanh, đường, muối, bột năng và vani. Món ăn này thưởng thức cùng nước cốt dừa – thành phần quan trọng không bao giờ thiếu trong các món chè ngon của Nam Bộ.

Chè bưởi tuy có nguyên liệu đơn giản nhưng cách nấu cũng khá công phu.

Quy trình nấu chè bưởi khá công phu, gồm nhiều công đoạn như ngâm đậu xanh, sơ chế cùi bưởi, luộc cùi bưởi, tiến hành nấu chè,… Trong đó, khâu ướp đường và lăn cùi bưởi với bột năng rồi đem đi luộc là quan trọng nhất. Bởi nếu làm không khéo, cùi bưởi có thể bị đắng, bị mềm hoặc dai chứ không giòn, cứng đúng điệu. Đó là lý do mà những người nấu chè bưởi thường là người có kinh nghiệm. Bởi không phải ai “tay ngang” cũng dễ dàng làm thành công món chè này.

Chè bưởi có thể ăn giải nhiệt hoặc dùng tráng miệng trong các bữa tiệc.

Một nồi chè bưởi được xem là thành công khi có vị ngọt thanh và bùi bùi, giòn giòn của bưởi hòa quyện trong vị béo của nước cốt dừa. Khi thưởng thức món ăn vặt miền Nam này phải thêm chút đá xay nhuyễn để không bị ngán và cảm thấy mát mẻ hơn vào những ngày trời nóng bức. Ngoài dùng làm món ăn vặt, chè bưởi cũng rất lý tưởng để dùng tráng miệng, nhất là trong các bữa tiệc.

Chè đậu xanh

Đậu xanh được biết đến là một thực phẩm có tính hàn, giúp thanh nhiệt, thải độc và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vì thế mà từ xa xưa, người miền Nam đã dùng đậu xanh để nấu chè, vừa có một món chè ngon, vừa phần nào tốt cho sức khỏe. Ngày nay, dù có bao nhiêu loài chè mới được biến tấu, nhưng chè đậu xanh vẫn là món ăn vặt hảo hạng được người Nam Bộ ưa chuộng.

Chè đậu xanh dễ nấu, dễ ăn và tốt cho sức khỏe.

Chè đậu xanh thường được nấu bằng đậu xanh vỏ hoặc đậu xanh cà (loại đậu xanh được lấy hết vỏ) cùng nước cốt dừa, bột báng, bột khoai và phổ tai. Dĩ nhiên là không thể thiếu đường cát trắng – nguyên liệu giúp tạo nên vị ngọt đặc trưng những món chè ngon của Nam Bộ.

Bạn có thể dùng đậu xanh vỏ hoặc đậu xanh cà để nấu chè đậu xanh.

Cách nấu chè đậu xanh về cơ bản rất dễ thực hiện. Các nguyên liệu sau khi được làm sạch và sơ chế xong sẽ được nấu theo quy trình sau: Đậu xanh được cho vào một nồi nước, bắc lên bếp nấu sôi đến khi mềm thì cho thêm bột khoai, bột báng (đã ngâm mềm) và đường, nước cốt dừa vào. Cuối cùng, khi chè chín thì phở tai (đã ngâm cho nở) cũng được cho vào. Người miền Tây chia sẻ rằng không nên cho phổ tai vào sớm vì sẽ bị mềm, không còn giòn dai, khi ăn sẽ mất ngon.

Chè đậu xanh nấu cùng phổ tai giúp thanh nhiệt, giải độc tốt.

Với món ăn vặt miền Nam này, bạn có thể thưởng thức nóng vào những ngày cuối năm se lạnh. Còn nếu muốn ăn giải nhiệt, bạn có thể thêm nước đá vào để món chè ngon hơn và cũng không bị ngán.

Chè chuối

Có lẽ chè chuối là món chè đơn giản, dễ nấu nhất mà người miền Tây nào cũng nấu được. Bởi nguyên liệu làm món chè ngon của Nam Bộ này chỉ gồm có chuối chín, đường, nước cốt dừa và thêm chút bột bán là đủ. Với chè chuối, bạn không cần phải có tay nghề hay kinh nghiệm gì cả, chỉ cần làm đúng công thức là ra ngay món chè ngon.

Chè chuối hay chuối chưng là một món ăn ngon của người miền Tây.

Món chè chuối hay còn gọi chuối chưng này muốn ngon phải chọn được chuối xiêm vừa chín tới. Vì nếu chuối chín ép hay chưa kịp chín khi nấu sẽ có vị chát, mất đi độ ngọt thanh tự nhiên. Khi nấu, bạn nên cắt chuối thành từng khoanh tròn vừa ăn. Còn nếu thích, bạn có thể để nguyên trái chuối to.

Chè chuối có cách nấu khá đơn giản, nguyên liệu dễ tìm.

Món ăn vặt miền Nam này trước kia chỉ có chuối là nguyên liệu chính. Tuy nhiên sau đó, người ta đã khéo léo cho thêm khoai lang, bí rợ vào để món chè được phong phú và màu sắc hơn. Khi nấu, bạn có thể thêm các nguyên liệu này để món ăn thêm đa dạng. Còn nếu chỉ nấu chuối không thì món chè chuối vẫn rất ngon và hấp dẫn.

Món ăn này không ăn cùng với đá như các loại chè khác.

Với chè chuối, người miền Nam thường không ăn kèm với nước đá bởi nó sẽ làm mất đi độ ngọt đặc trưng của chuối và nước cốt dừa. Thay vào đó, bạn có thể ăn nóng lúc chè vừa chín hoặc đợi khi chè nguội và đông lại. Lúc này, vị ngọt béo của món chè càng đậm đà hơn.

Chè thập cẩm

Chè thập cẩm vốn có mặt ở khắp 3 miền nhưng mỗi miền có cách nấu và các nguyên liệu đặc trưng riêng. Với người Nam Bộ, chè thập cẩm là sự kết hợp của các loại đậu, phổ tai, dừa khô, vani, ăn kèm với đá và thêm chút đậu phộng để tăng hương vị.

Chè thập cẩm có nguyên liệu chính là các loại đậu.

Món chè ngon của Nam Bộ này thường không nấu thành một nồi như các loài chè khác. Thay vào đó các loại đậu được nấu riêng, khi nào ăn mới múc cho vào một chiếc ly. Đậu dùng nấu chè thập cẩm có đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu ván, đậu trắng,… Tất cả đều được nấu mềm với nước đường, có vị ngọt thanh. Ngoài ra, một số nơi còn kết hợp thêm sương sa hạt lựu, … để món chè thêm màu sắc bắt mắt.

Chè thập cẩm ăn kèm với nước cốt dừa được nấu chín và nước đường. Mỗi khi thưởng thức một ly chè, người bán sẽ múc các loại đậu vào chung một ly, cho thêm phổ tai, dừa khô lên trên. Sau đó cho thêm đá và vani vào là có ngay một ly chè ngon để thưởng thức.

Để món chè thêm hấp dẫn, người ta còn thêm các nguyên liệu như thạch, sương sa hạt lựu,…

Ngày nay, món chè ngon của Nam Bộ này được bán rất phổ biến ở TP.HCM. Còn nếu về miền Tây, bạn rất dễ tìm thấy chè thập cẩm tại các khu chợ trung tâm, các hàng quán ăn vặt khắp nơi.